Những điều cần biết về ổ cứng máy tính HDD
Ổ cứng, hay còn gọi là ổ đĩa cứng (Hard Disk Drive, viết tắt: HDD) là thiết bị dùng để lưu trữ dữ liệu trên bề mặt các tấm đĩa hình tròn phủ vật liệu từ tính. Ổ đĩa cứng là loại bộ nhớ “không thay đổi” (non-volatile), có nghĩa là chúng không bị mất dữ liệu khi ngừng cung cấp nguồn điện cho chúng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ổ đĩa cứng có kích thước ngày càng nhỏ đi, trong khi dung lượng thì ngày càng tăng lên.
1. Các thông số và đặc tính
Dung lượng: Dung lượng ổ đĩa cứng (Disk capacity) là một thông số thường được người sử dụng nghĩ đến đầu tiên, là cơ sở cho việc so sánh, đầu tư và nâng cấp. Dung lượng của ổ đĩa cứng tính theo các đơn vị dung lượng cơ bản thông thường: byte, kB MB, GB, TB, ở thời điểm hiện tại thì dung lượng ổ cứng được tính bằng GB và TB.
Tốc độ quay của ổ đĩa cứng: Tốc độ quay của đĩa cứng thường được ký hiệu bằng rpm (revolutions per minute) số vòng quay trong một phút. Tốc độ quay càng cao thì ổ càng làm việc nhanh do chúng thực hiện đọc/ghi nhanh hơn, thời gian tìm kiếm thấp.Các tốc độ quay thông dụng thường là: 3.600 rpm, 4.200 rpm, 5.400 rpm, 7.200 rpm, 10.000 rpm, 15.000 rpm.
Các thông số về thời gian trong ổ đĩa cứng: Thời gian tìm kiếm trung bình (Average Seek Time) là khoảng thời gian trung bình (tính theo ms) mà đầu đọc có thể di chuyển từ một cylinder này đến một cylinder khác ngẫu nhiên (ở vị trí xa chúng), thông số này càng thấp càng tốt; Thời gian truy cập ngẫu nhiên (Random Access Time): Là khoảng thời gian trung bình để đĩa cứng tìm kiếm một dữ liệu ngẫu nhiên (tính bằng ms), thông số này càng cao càng tốt; Thời gian làm việc tin cậy MTBF: (Mean Time Between Failures) được tính theo giờ (hay có thể hiểu một cách đơn thuần là tuổi thọ của ổ đĩa cứng). Đây là khoảng thời gian mà nhà sản xuất dự tính ổ đĩa cứng hoạt động ổn định mà sau thời gian này ổ đĩa cứng có thể sẽ xuất hiện lỗi (và không đảm bảo tin cậy).
Bộ nhớ đệm (cache hoặc buffer) trong ổ đĩa cứng cũng giống như RAM của máy tính, chúng có nhiệm vụ lưu tạm dữ liệu trong quá trình làm việc của ổ đĩa cứng. Đơn vị thường tính bằng KB hoặc MB.
Chuẩn giao tiếp: Có nhiều chuẩn giao tiếp khác nhau giữa ổ đĩa cứng với hệ thống phần cứng, sự đa dạng này một phần xuất phát từ yêu cầu tốc độ đọc/ghi dữ liệu khác nhau giữa các hệ thống máy tính, phần còn lại các ổ giao tiếp nhanh có giá thành cao hơn nhiều so với các chuẩn thông dụng. Các chuyển giao tiếp qua các thời kỳ: SCSI, Ultra160 SCSI, Ultra320 SCSI, ATA, SATA, SATA II, SATA 3.
Tốc độ truyền dữ liệu: Tốc độ của các chuẩn giao tiếp không có nghĩa là ổ đĩa cứng có thể đáp ứng đúng theo tốc độ của nó, đa phần tốc độ truyền dữ liệu trên các chuẩn giao tiếp thấp hơn so với thiết kế của nó bởi chúng gặp các rào cản trong vấn đề công nghệ chế tạo. Các thông số sau ảnh hưởng đến tốc độ truyền dữ liệu của ổ đĩa cứng: Tốc độ quay của đĩa từ, số lượng đĩa từ trong ổ đĩa cứng, công nghệ chế tạo, dung lượng bộ nhớ đệm.
Kích thước: Kích thước của ổ đĩa cứng được chuẩn hoá tại một số kích thước để đảm bảo thay thế lắp ráp vừa với các máy tính. Kích thước ổ đĩa cứng thường được tính theo inch.
Sử dụng điện năng: Đa số các ổ đĩa cứng của máy tính cá nhân sử dụng hai loại điện áp nguồn: 5 Vdc và 12 Vdc.
2. Ứng dụng
Ổ đĩa cứng được sử dụng chủ yếu trên các máy tính như: máy tính cá nhân, máy tính xách tay, máy chủ, máy trạm…Với các thiết bị lưu trữ dữ liệu chuyên dụng như: các thiết bị sao lưu dữ liệu tự động hoặc các thiết bị sao lưu dữ liệu dùng cho văn phòng/cá nhân bán trên thị trường hiện nay đều sử dụng các ổ đĩa cứng. Ngày nay, một số hãng sản xuất ổ đĩa cứng đã có thể chế tạo các đĩa cứng rất nhỏ. Các ổ đĩa cứng nhỏ này có thể được sử dụng thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân, thiết bị cầm tay, điện thoại di động, máy ảnh số, máy nghe nhạc cá nhân, tai nghe không dây, máy quay phim kỹ thuật số.
3. Những chú ý khi mua ổ cứng
Máy tính của bạn sử dụng ổ cứng chuẩn nào: Thông thường có 2 chuẩn HDD phổ biến được dùng cho laptop là IDE và SATA (bài này sẽ không đề cập đến micro SATA hoặc các chuẩn khác). Do đó, việc đầu tiên là xác định xem MTXT của bạn đang dùng HDD chuẩn nào, SATA hay là IDE. Những laptop sản xuất trong các năm từ 2006 trở về đây thường sử dụng chuẩn SATA thay cho chuẩn IDE cũ tốc độ thấp. Chúng ta cũng có thể sử dụng một phần mềm là AIDA64(trước đây có tên EVEREST) để kiểm tra thông số của ổ cứng, về các thông tin cơ bản như loại giao tiếp (IDE, SATA*), tốc độ vòng quay, bộ nhớ đệm, dung lượng…
Dung lượng: Nó tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng cũng như túi tiền, hiện nay trên thị trường có rất nhiều dung lượng, phổ biến từ 160GB đến 500GB, thậm chí chúng ta cũng mua được ổ cứng laptop có dung lượng lên đến 1TB và 1,5TB.
Kích thước: Về kích thước, phần nhiều các laptop sẽ sử dụng ổ cứng loại 2.5″, một số loại netbook, ultrabook lại sử dụng loại 1.8″ có dung lượng cũng như tốc độ truy xuất thấp hơn 2.5″ đáng kể. Ngoài ra, còn một lưu ý nữa là độ dày của HDD đó, hiện các ổ cứng 2.5″ đang phổ biến với 3 độ dày, gồm 7mm, 9mm và 12.5mm. Trong đó, các máy tính xác tay thông thường sẽ sử dụng loại 9mm, đây cũng là kích thước tiêu chuẩn của dòng ổ 2.5″, loại 12,5mm thường được dùng ở các ổ cứng đời cũ chuẩn SATA I, hoặc các ổ 1TB và 1.5TB bởi bên trong nó có đến 3 phiến đĩa. Loại 7mm thường được dùng ở các ultrabook, giúp giảm độ mỏng của máy tính (ví dụ Asus Zenbook), dĩ nhiên ổ mỏng 7mm sẽ có dung lượng thấp hơn loại 9mm.
Tốc độ vòng quay: 5400 vòng/phút hoặc 7200 vòng/phút. Dĩ nhiên tốc độ quay 7200rpm sẽ cho tốc độ truy xuất cao hơn loại 5400 một chút.
Cache: Đây là nơi mà ổ cứng dùng để lưu trữ tạm thời các dữ liệu, cũng như yêu cầu mà phần cứng cần xử lý. Đĩa cứng giao tiếp ATA hiện nay thường có bộ nhớ đệm 2MB, còn SATA là 8MB. Bởi vậy, sản phẩm có giao diện SATA thường truy xuất nhanh hơn ATA.
Loại gắn trong hay gắn ngoài: Nếu máy tính của bạn đã có sẵn ổ gắn trong nhưng bạn cần mở rộng thêm dung lượng lưu trữ đồng thời cũng cần đến tốc độ xử lý và sao chép dữ liệu thì nên chọn loại ổ gắn trong. Trong khi đó, nếu đề cao tính di động để có thể mang theo dữ liệu đi khắp nơi thì bạn nên chọn ổ gắn ngoài.
Giá thành: Giá tiền ổ cứng cùng chủng loại và tính năng của những nhà sản xuất thường tương đối bằng nhau và sự chênh lệch là không quá đáng kể. Nếu muốn tiết kiệm, tốt nhất bạn nên xác định rõ mục đích sử dụng của mình để không phải phí phạm tiền vào việc mua những ổ cứng có dung lượng qua cao so với nhu cầu của bản thân.
Mua ổ cứng hãng nào: Trên thị trường có một số hãng ổ cứng tên tuổi như: Western Digital, Seagate, Toshiba. Các thương hiệu như Samsung, Hitachi dùng cho máy PC hiện nay không sản xuất mới mà chỉ còn tồn lại ổ cũ sản xuất từ các năm trước. Nhìn chung các hãng ổ cứng có cùng tầm tiền thì chất lượng không hơn kém nhau nhiều. Mỗi hãng cho ra một model thì đều có những ưu điểm và khuyết điểm.
➤ Mật khẩu giải nén (Pasword): 123
➤ Tải lại trang nếu không nhấn được vào link