Những món ăn đặc sản Vùng Đồng bằng sông Hồng

Những món ăn đặc sản Vùng Đồng bằng sông Hồng

Những món ăn đặc sản Vùng Đồng Bằng Sông Hồng khiến cho thực khách say lòng. Bằng những cách chế biến độc cùng với các nguyên liệu đặc biệt đã tạo nên những món ăn mang đậm bản sắc vùng miền, để lại những cảm xúc khó quên lòng du khách.

1. Cá kho Nhân Hậu (Hà Nam)

Những món ăn đặc sản Vùng Đồng bằng sông Hồng

Người Nhân Hậu (Lý Nhân – Hà Nam) đã có tục lệ kho cá vào mỗi dịp Tết âm lịch. Gia đình nào cũng vậy dù ăn Tết to hay nhỏ thì trên mâm cơm cúng ông bà tổ tiên nhất thiết phải có một đĩa cá kho. Cá để kho thường là cá trắm đen vì thịt của nó chắc lại thơm. Gia vị bao gồm: gừng, riềng, chanh, quả chay, khế chua, kẹo đắng. Nồi để kho cá tốt nhất là nồi đất vì nó giữ được vị thơm của cá. Để cho cá ngon thì ta nên kho bằng bếp củi. Đun to lửa cho nồi cá sôi đều, lúc này vắt chanh, cho thêm kẹo đắng , sau đó thì đun nhỏ lửa hơn, giữ lửa không to quá cũng không nhỏ quá. Ngày thường thì kho cá mất khoảng 6- 7 tiếng nhưng ngày Tết thì kho cá là cả một quá trình công phu, thường mất khoảng 14 – 15 tiếng. Đun đến khi nồi cá còn khoảng một thìa nước thì bắc khỏi bếp. Cá không khô hoặc không ướt quá, vị thơm ngậy, thịt cá chắc, màu sắc đẹp. Một miếng mà đủ cả vị thơm của cá, ngậy của thịt mỡ, vị cay cay của riềng, vị chua của chanh, chay, khế. Nhất là ngày Tết, ăn cá kho với bánh chưng thì quả là hết ý.

2. Mắm cáy Hoành Nha (Nam Định)

Mắm cáy Hoành Nha

Con cáy có 2 càng lớn màu đỏ thường sống ở vùng ven sông Sò, sông Hồng, đục lỗ bên bờ sông, bờ ruộng để ẩn. Bắt cáy có hai cách, câu và đào.Cáy câu hay đào được đem về ngâm xuống ao 3 – 4 giờ cho nhả hết đất rồi vớt lên xóc kỹ. Xé cáy bóc mai, bỏ yếm để cho ráo nước mới đem giã lấy nước. Cáy với muối theo tỷ lệ 3 cáy 1 muối. Cáy giã xong cho vào hũ sành đậy kín để vào góc sân hay góc vườn. Ngày nắng to đem hũ mắm cáy ra phơi, đảo cho đều. Trong thời gian để cho mắm ngấu ngả còn cho thêm cơm khô rang hay vỏ dứa chín phơi khô sấy. Đấy là 2 nguyên liệu phụ gia để cho mắm có hương và màu sắc đẹp. Để mắm trong thời gian 3 – 6 tháng rồi đem nấu. Nước mắm lọc xong thường chứa vào vại sành cho lắng, sau đó gạn tách thì được 2 loại là mắm nước và mắm bột. Để càng lâu mắm càng ngon, ngọt. Những hũ mắm cáy đem chôn xuống đất càng lâu thì chất lượng của mắm càng cao. Nước mắm có màu cánh dán hoặc vàng dịu như mật o­ng rừng, trông thật bắt mắt đem ra ăn với xôi hay thịt ba chỉ luộc thì thật là tuyệt. Mắm cáy Hoành Nha thường dùng để chấm với rau khoai lang luộc, còn mắm cáy bột chấm với cà ghém muối sổi hay muối chua là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gạo mới ở vùng này.

3. Cá nướng úp chậu (Nam Định)

Cá nướng úp chậu

Nếu có dịp ghé qua xã Phương Đinh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng rất đặc biệt. Đó là món cá nướng úp chậu với phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức. Món cá chỉ cần bảo quản trong ngăn lạnh hoặc treo gác bếp có thể để được cả tuần. Khi ăn, chỉ cần nướng qua than hoa dăm mười phút là được. Loại cá để nướng thường dùng để nướng là cá trắm cỏ (từ 2 đến 5 cân), cá chép (từ 1 – 1,5 cân). Cá chép chỉ cần mổ bụng, rửa sạch, còn các loại cá to, chủ nhà thường phải cắt làm 2 hoặc 3 khúc. Sau đó, thêm ướp gia vị, hành, sả, thì lá, gừng… để ngấm khoảng 30 phút. Tiếp đó cá sẽ được cho vào chiếc chậu nhôm chuyên dụng, xung quanh xếp gạch và lót một lớp rơm, lá chuối bên dưới. Khi đã kiểm tra chậu úp cá chắc chắn, đầu bếp bắt đầu trải rơm đốt xung quanh thành chậu, phía trên chậu liên tục trong 30 phút. Rồi phủ kín chậu bằng một lớp chấu dày, tiếp tục đốt rơm và chấu lẫn lộn trong vòng 5 tiếng. Đầu bếp gạt hết lớp chấu và rơm trên chậu, nhẹ nhàng dùng kẹp tre mở chậu để lật cá. Bây giờ, một mặt cá đã chín vàng, khô, mùi thơm ngào ngạt. Cẩn thật lật mặt sau của cá, đầu bếp lại tiếp tục nướng thêm 5 tiếng nữa thì món cá nướng úp chậu mới hoàn thành.

4. Canh cá Quỳnh Côi (Thái Bình)

Canh cá Quỳnh Côi

Gọi là canh mà không phải là canh, đây là một món bánh đa nước nấu với cá quả hay cá rô đồng. Món ăn độc đáo và lạ miệng này đã trở thành đặc sản của vùng đất Thái Bình. Cũng từ nguyên liệu là những hạt gạo quê mộc mạc, người dân Thái Bình làm ra một loại bánh đa mỏng hơn phở, mềm như bún. Canh cá được gắn với thương hiệu Quỳnh Côi – tên của một vùng quê lúa, bởi món cánh cá có nguồn gốc từ đây và chỉ có những người dân nơi này mới làm ra thứ canh cá ngon nhất mà không đâu sánh bằng. Canh cá rô vừa dễ ăn lại vừa đủ chất vì bánh đa làm hoàn toàn bằng gạo nên có rất nhiều protein và các vitamin. Các du khách đến Thái Bình đều được giới thiệu thưởng thức món canh cá Quỳnh Côi này. Bánh đa nấu với cá quả hoặc cá rô đồng rất ngọt và thơm. Nó lôi cuốn người ăn bởi sợi bánh đa mềm mà lại dai. Nước canh nấu bằng cá đồng nên có vị ngọt đậm tự nhiên mà lại không hề có mùi tanh. Tất cả hoà quyện trong bát canh bánh đa mang đến hương vị đồng quê ngọt ngào.

5. Nộm sứa Thái Bình

Nộm sứa Thái Bình

Sứa bắt về được làm sạch, ướp với muối phèn. Sau một thời gian, những miếng sứa ngậm muối mới bỏ ra ép thành tấm như chiếc bánh đa. Sứa ngâm muối phèn thường dai và giòn, sau đó cắt thật cần thận thành những miếng mỏng, trần qua nước sôi rồi xếp riêng ra đĩa. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải giòn, thơm và khô. Muốn như vậy sứa cùng hành tây sau khi rửa sạch, thái nhỏ, trần qua nước nóng phải để khô để khi trộn đều lên sứa không bị ướt, ăn vào sẽ cảm nhận được vị giòn không chỉ của riêng sứa mà còn vị giòn của cả hành tây. Sự kết hợp hài hòa của vừng, lạc, dừa nạo, hành tây, lá chanh, mực khô xé nhỏ và một chút rau húng thái nhỏ cho thơm. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngầy ngậy của vừng lạc, vị thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô.

6. Cá thính Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Cá thính Lập Thạch

Cá thính, còn gọi là cá muối chua, là sản phẩm được làm từ các loại cá nước ngọt còn tươi đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, thơm, làm chín món ăn một cách tự nhiên. Cá thính thịnh hành như một trong những món ăn mặn dân dã, phổ thông, là đặc sản của Lập Thạch, Vĩnh Phúc nói riêng và một số vùng trung du phía Bắc nói chung. Sử dụng hầu hết các loại cá nước ngọt có vẩy như cá rô, cá diếc, cá trắm, cá mè, cá trôi, cá chày và thậm chí cả các loại cá da trơn như cá nheo, cá trê, cá quả. Cá khi mang ướp thính cần phải phân biệt, những loại cá nhỏ như trê, nheo, trạch, trôi thì mang mổ sạch, cứ để cả con mà ướp. Những loại cá to hơn như trắm, chép, mè thì cạo sạch vẩy, chặt ra thành từng khúc tuỳ theo độ dài của con cá. Cá thính chua ngon khi gỡ ra khỏi vại phải có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có mày hồng ngấu chín. Ngon nhất là đem cá thính chua nướng qua than hoa. Nhìn miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, vị chua mát, thịt cá ngọt đậm đà trên bếp than hồng thật hấp dẫn.

7. Thịt tái bò kiến đốt (Vĩnh Phúc)

Thịt tái bò kiến đốt

Thịt tái bò kiến đốt nghe tên đã thấy lạ tai, ăn càng lạ miệng và cách chế biến thì lại càng độc đáo. Thịt bê mới mổ còn nóng, cắt miếng khoảng 1kg đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng (không để ở những tổ kiến làm tổ dưới đất). Chọc cho lũ kiến trong tổ ra cho chúng đốt vào miếng thịt còn nóng đó cho thật chán chê càng nhiều càng tốt. Nếu kỳ công, mỗi miếng thịt đem treo vào tổ mỗi loài kiến khác nhau sẽ được nhiều hương vị khác nhau. Kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có vị thơm mùi cà cuống…Sau đó, các miếng thịt đem về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem thui trên bếp lửa than hồng cho chín tái. Thái miếng mỏng ngang thớ, bày ra đĩa theo từng loại. Các nguyên liệu ăn kèm ngoài các loại rau sống thì không thể thiếu được chuối xanh và rau ngổ. Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ và thái lát cho vào bát nước cùng với một chút nước cốt chanh. Cuối cùng là nước chấm, người dân ở đây dùng một loại tương làm từ ngô và đậu, pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường. Ăn thịt bê kiến đốt không chỉ dễ tiêu hóa mà còn là vị thuốc phòng và chữa bệnh thần kinh hoặc bệnh thấp khớp bởi vì nọc kiến rừng cũng là một vị thuốc quý trong Đông y.

8. Tái dê Hoa Lư (Ninh Bình)

Tái dê Hoa Lư

Thịt dê Ninh Bình săn chắc và ít mỡ hơn dê ở những vùng khác bởi dê núi nơi đây được chăn thả trên những mỏm đá ghồ ghề. Với dê Ninh Bình có thể chế biến thành rất nhiều món ngon nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn phải nói đến tái dê Hoa Lư. Sau khâu sơ chế làm tái, thị dê được thái mỏng đều, thái ngang xớ. Không để miếng nọ giăng tơ với miếng kia. Xong xuôi thì mang trộn đều với các loại gia vị đã được chuẩn bị sẵn như: sả, lá chanh, gừng, ớt, nước chanh, bột ngọt, tất cả vừa đủ đổ vào chậu thịt thái sẵn, trộn đều. Khi cho lên đĩa không quên rắc vừng đã rang lên trên, trông vừa đẹp mắt, lúc ăn lại bùi. Khi ăn lấy lá sung, lá mơ, bánh đa nem làm vỏ, bỏ thịt dê tái vào trong, quấn lại rồi chấm tương gừng.

9. Gỏi cá Nhệch Kim Sơn (Ninh Bình)

Gỏi cá Nhệch Kim Sơn

Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng nhệch sống ở nơi nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét). Nhệch củ to ngang, nhệch khét dài. Cá nhệch giống lươn về độ dài, nhưng bề ngang lại giống cá chình. Cá nhệch có thể chế biến được nhiều món như kho, rán, nấu canh chua, om… Nhưng món gỏi cá nhệch là được ưa chuộng nhất. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá Nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kì công mà mắt xích lại nằm ở toàn bộ các công đoạn. Nước chấm gỏi được làm từ nước mắm, gừng tươi, tỏi, ớt, mỳ chính, hạt tiêu. Có người chấm gỏi với mắm tôm cũng rất dậy mùi. Ăn gỏi nhệch nhất thiết là phải có rau thơm đi cùng. Rau thơm gồm: lá sung, lá đinh lăng, vọng cách, lá mơ… Và các loại quả như khế, sung, ớt….Gỏi cá nhệch có thể ăn cùng với bánh đa vừng. Các loại rau thơm có thể để nguyên lá hoặc thái nhỏ và trộn lẫn với nhau. Đây chính là các loại lá thuốc dân gian tốt cho đường tiêu hóa.

10. Ốc núi Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình

Nếu như trước kia ít người biết đến món ốc núi thì giờ đây ốc núi đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người. Có lẽ chính cái vị ngọt thanh, chút hương lá rừng lạ lạ đã kéo người ta đến với món ốc núi. Ốc núi có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhưng nhiều nhất ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình dưới đất, trong các khe đá hoặc các lớp lá dày. Thức ăn chính của ốc này là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế ốc núi người ta thường không ngâm kỹ để ốc mửa ra như các loại ốc khác mà chỉ rửa sơ qua vì cho rằng trong người con ốc mang nhiều vị thuốc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi… Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ăn ốc núi nên ăn cả con không bỏ ruột, khi ăn nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, thơm mùi thuốc Bắc.

11. Tu hài nướng (Hải Phòng)

Tu hài nướng

Con tu hài phải ăn nướng mới ngon và như vậy mới là người biết thưởng thức món đặc sản biển đảo Cát Bà. Ăn tu hài nướng phải rắc gừng tươi thái chỉ cùng với hành củ phi giòn chấm với nước mắm Cát Hải mới thấm ngon. Khách du lịch lần đầu được thưởng thức tu hài nướng đều thấy lạ miệng bởi thịt tu hài mềm mại, ngọt ngon lại có hương vị đặc trưng không giống vị sò vị hến nước mặn. Con tu hài nằm sâu dưới bãi cát hạ triều ven biển, phải đào sâu xuống ít nhất 50 cm trở lên mới tìm nhặt được. Người đi kiếm tu hài phải dầm mình nơi bãi cát sú vẹt cả buổi mới nhặt được vài ba chục con vì thế mà tu hài đã trở thành mặt hàng hải sản quý hiếm nhất vùng.

12. Giò bì phố Xuôi (Hưng Yên)

Giò bì phố Xuôi

Những chiếc giò bì xinh xắn gói trong tấm lá chuối xanh xanh không chỉ được lòng người dân Hưng Yên mà còn vang danh ra bên ngoài, trở thành một đặc sản mà ai đến với phố Xuôi đều mua bằng được. Để có được những chiếc giò ngon người phố Xuôi phải chọn da heo thật trắng, sạch, thịt phải tinh nạc, nước mắm nhỉ thật ngon. Bì heo sau khi làm sạch, luộc chín rồi xắt thật mỏng, mỏng tựa như là sợi chỉ. Thịt nạc mua về rửa sạch, để ráo, xắt nhỏ bỏ vô cối quết nhuyễn. Phải quết bằng tay thì giò mới ngon được. Sau đó trộn cả bì lẫn thịt với gia vị và nêm nước mắm. Lá chuối tươi rửa sạch, lau khô rồi hơ qua lửa cho héo để công đoạn gói được dễ dàng. Mỗi cái giò thường chỉ nhỏ cỡ hai ngón tay người lớn. Mười cái cột lại làm một xâu, trước khi bỏ vô nồi luộc chín. Những chiếc giò vừa luộc nóng, thơm nhưng mềm ăn chưa được ngon lắm. Khi nguội sẽ săn chắc, giòn và dai, vị thơm sẽ nhẹ hơn. Cái thơm của thịt, bì, gia vị và lá chuối quyện vào nhau thoang thoảng, tạo nên nét đặc trưng thật lạ.

13. Ếch om Phượng Tường (Hưng Yên)

Ếch om Phượng Tường

Làng Phượng Tường huyện Tiên Lữ – Hưng Yên nổi tiếng với món ếch om. Theo những người có kinh nghiệm trong làng cho biết, muốn có được thịt ếch om ngon nhất thì phải chọn ếch từ tháng 9, tháng 10 trở đi. Vì vào thời điểm này, những chú ếch rất béo do phải tích trữ nhiều mỡ để chuẩn bị cho kỳ nghỉ đông dài trong hang. Ếch sau khi sơ chế mang ướp với gia vị gồm : mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm. Sau đó lấy dây lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi ếch chín và nước chỉ ra chỉ vừa một bát. Khi múc ra thịt ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.

14. Gà Đông Tảo (Hưng Yên)

Gà Đông Tảo

Thứ gà có chân to xù xì như chân voi, mào đỏ chót như mâm xôi từng được tương truyền là của ngon vật lạ cúng tiến vua chúa thời xưa. Hơn nữa, ngày nay lại là một trong ba mươi giống gà bản địa quý hiếm, luôn chế biến được nhiều món ngon, lạ, độc được ưa chuộng bởi những thực khách sành ăn đó chính là gà Đông Tảo của tỉnh Hưng Yên. Gà Đông Tảo có hình dáng khác với những giống gà bình thường bởi chúng thường nặng từ năm đến bảy cân một con. Một con gà Đông Tảo to thường được chế biến bảy đến chục món mà món nào cũng độc đáo. Thịt gà Đông Tảo luộc, nấu đông, xáo măng, quay chảo, nướng lá chanh sao cho lớp da bên ngoài giòn, thớ thịt bên trong mềm thơm phức. Các bộ phận khác của giống gà này cũng có thể chế biến thành nhiều kiểu lạ miệng, lòng gà xào xả ớt ăn giòn tan, bùi bùi, cay cay. Da gà Đông Tảo rất dày, thậm chí có thể vài lạng, da gà thái chỉ xào lá chanh hay chọn lấy phần da cổ thái nhỏ trộn thính nếp ăn kèm rau mùi, đinh lăng, lá sung cuộn lại ăn giòn sần sật. Ngoài ra, với thịt thơm ngon, phần đùi gà hấp chấm mắm tôm ăn kèm lá mơ ngon không khác món giả cầy. Thịt gà Đông Tảo nấu nước cốt chanh ăn có tác dụng giải cảm, trị chứng mệt mỏi cơ thể. Nhưng có lẽ thơm ngon độc đáo nhất là món ngon từ cặp chân hầm, được ví von là món “vảy rồng hầm thuốc bắc”.

15. Cà cuống làng Chèm (Hà Nội)

Cà cuống làng Chèm

Từ xưa kia, làng Chèm đã nổi tiếng là vùng đất có nhiều cà cuống nhất Hà Nội, nó được xếp vào hàng sơn hòa hải vị của người Việt. Những cơn rào mùa hè làm nước ao dâng lên bám lấy cây cỏ xanh mướt. Để ý kỹ một chút là sẽ thấy cỏ lác mọc cao vượt hẳn lên trên, đan xen trong những chùm hoa dại là từng cụm trứng cà cuống còn bám lại. Bọng tinh dầu trong bụng cà cuống đực được coi là loại gia vị quý giá thường được pha chế vào nước mắm và nó trở thành một loại hương liệu không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn. Bánh cuốn có nước mắm chắt, có giấm ớt chua cay mà không có mùi cà cuống thì cũng thành vô vị.

MẬT KHẨU GIẢI NÉN (PASSWORD): 123
✔ Tải lại trang nếu không nhấn được vào link

Chia sẻ bài viết

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*
*